Hộ chiếu vắc-xin COVID-19, giải pháp cho thế giới thiết lập trạng thái bình thường mới

0
565

Với các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang tiếp tục diễn ra gấp rút ở các quốc gia trên thế giới, một cuộc tranh luận toàn cầu đang nổi lên về ý tưởng phát hành tài liệu số thể hiện tình trạng tiêm chủng của mỗi cá nhân. Mục đích đầu tiên được đưa ra bởi các quốc gia đã thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 (trong đó có Israel) và các ngành công nghiệp du lịch, nhằm cung cấp một phương thức để mở lại các tuyến du lịch trong nước và du lịch quốc tế một cách an toàn hơn.

Giới thiệu chung về hiện trạng Hộ chiếu vắc-xin trên thế giới

Kể từ tháng 3/2021 đến nay, trên thế giới, vẫn chưa có sự đồng thuận về cách thực hiện chứng chỉ số như vậy. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang khuyến cáo thận trọng trong việc áp dụng chứng chỉ vắc-xin như một điều kiện để đi du lịch. Vẫn còn những ẩn số quan trọng liên quan đến hiệu quả của việc tiêm chủng trong việc giảm lây truyền COVID-19. Điều này không có nghĩa là WHO phản đối chứng nhận tiêm chủng. Ngược lại, WHO đã thành lập một nhóm làm việc về chứng nhận tiêm chủng thông minh (Smart Vaccination Certificate – SVC), WHO đã chủ động nghiên cứu và soạn thảo bộ tiêu chí hướng dẫn áp dụng Chứng nhận tiêm chủng thông minh dựa trên công nghệ PKI, kèm khung tiêu chuẩn tin cậy quốc tế tương tự mô hình Hộ chiếu điện tử của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Các nước Châu Âu đã phải rất khó khăn để đạt được một thỏa thuận gọi là “Thẻ thông hành xanh kỹ thuật số” (Digital Green Pass), vào ngày 01/3/2021, để chứng nhận một người đã được tiêm chủng, kết quả xét nghiệm cho những người chưa thể tiêm chủng và thông tin về sự phục hồi COVID-19. Vào ngày 17/3/2021, Ủy ban liên minh Châu Âu (EU) cũng đưa ra một số thông tin chính của Thẻ thông hành xanh kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do an toàn trong EU: Nó sẽ được cung cấp miễn phí, được phát hành cả dưới dạng giấy và dạng kỹ thuật số, chứa mã QR có thông tin chính và chữ ký số để xác định tính xác thực của mã đó. Ủy ban cũng sẽ xây dựng một cổng gateway và hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển phần mềm có thể sử dụng để xác minh tất cả các Thẻ thông hành xanh kỹ thuật số trên toàn EU. Một khung tin cậy để liên thông tương tác của các chứng chỉ sức khỏe đã được eHealth Network (mạng lưới điện tử liên thông giữa các thành viên EU) đưa ra và được các quốc gia thành viên thực hiện.

Trong bài báo, các thuật ngữ Chứng nhận tiêm chủng thông minh (SVC) của WHO và Chứng nhận xanh kỹ thuật số (DGC) của EU được gọi chung là Hộ chiếu vắc-xin.

Hộ chiếu vắc-xin và hạ tầng kỹ thuật quản lý, cấp phát, kiểm tra Hộ chiếu vắc-xin

Theo định nghĩa của WHO, Hộ chiếu vắc-xin là một tài liệu y tế ghi lại một dịch vụ tiêm chủng của một cá nhân. Hộ chiếu vắc-xin là hồ sơ tiêm chủng kỹ thuật số mà người được tiêm chủng có thể truy cập và phục vụ các mục đích tương tự như hồ sơ giấy: chúng cung cấp một công cụ để đảm bảo tính liên tục của y tế và bằng chứng về việc tiêm chủng. Hộ chiếu vắc-xin có thể dưới dạng kỹ thuật số và được lưu trữ trên ứng dụng điện thoại thông minh hoặc trên đám mây. Ngoài ra, nó là bản kỹ thuật số của bản ghi truyền thống trên giấy. Liên kết giữa bản giấy và bản kỹ thuật số có thể được thiết lập bằng mã vạch (QR code) được in trên thẻ chứng nhận tiêm chủng giấy.

Theo quan điểm của Liên minh Châu Âu, Hộ chiếu vắc-xin là một bằng chứng số cho việc một người đã được tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19, hoặc nhận được kết quả âm tính, hoặc đã hồi phục sau điều trị COVID-19.

Hình 1. Hộ chiếu vắc-xin giấy và Hộ chiếu vắc-xin số

Quy trình cấp và kiểm tra Hộ chiếu vắc-xin:

Hình 2. Quy trình cấp và kiểm tra Hộ chiếu vắc-xin

Công dân được định danh và được tiêm vắc-xin, dữ liệu tiêm chủng được đưa vào cơ sở lưu trữ. Cơ quan có thẩm quyền ký số phát hành Hộ chiếu vắc-xin cho công dân (có mã QR code), công dân lưu trữ trên điện thoại di động. Trong trường hợp kiểm tra, người kiểm tra có thể sử dụng các thiết bị di động để kiểm tra mã QR code và chữ ký số trên Hộ chiếu vắc-xin để xác định tính hợp lệ và xác thực của Hộ chiếu vắc-xin.

Để xây dựng giải pháp kỹ thuật thống nhất trên toàn thế giới, WHO đưa ra Khung tiêu chuẩn tin cậy, là một cơ chế cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào xác minh các tài liệu y tế do quốc gia thành viên khác cấp là xác thực và không bị giả mạo. Điều này đạt được bằng cách xây dựng một bộ quy tắc nhất quán để các thành viên tuân theo. Khung tiêu chuẩn của WHO tận dụng sức mạnh của hạ tầng khóa công khai PKI và thuật toán mã hóa để bảo vệ sự tin cậy của Hộ chiếu vắc-xin. Khung tiêu chuẩn tin cậy của WHO dựa trên chuỗi chứng thực PKI, với gốc là Cơ quan chứng thực số quốc gia (CSCA), đến các tổ chức cấp chứng nhận tiêm chủng và cuối cùng Hộ chiếu vắc-xin được cấp cho mỗi cá nhân. Khả năng hoạt động liên thông và mạng lưới tin cậy đa quốc gia thông qua thư mục khóa công khai (PKD) của WHO, lưu trữ toàn bộ chứng thư số gốc của các quốc gia thành viên.

Quy trình phát hành một Hộ chiếu vắc-xin:

Hình 3. Quy trình phát hành một Hộ chiếu vắc-xin

Mỗi quốc gia phải thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng khóa công khai PKI độc lập tuân thủ khung tiêu chuẩn tin cậy của WHO. Việc này yêu cầu các quốc gia thành lập cơ quan chứng thực số quốc gia CSCA và công khai chứng thư số của cơ quan này lên Thư mục khóa công khai toàn cầu (PKD) của WHO để tất cả các tổ chức ngoài nước có thể xác minh thông tin chữ ký số trên Hộ chiếu vắc-xin.

Hình 4. Quy trình kiểm tra Hộ chiếu vắc-xin

EU đã xây dựng một Khung kiến trúc chung chi tiết hơn WHO để quản lý, cấp phát Hộ chiếu vắc-xin cho các nước thành viên.

Hình 5. Khung kiến trúc chung để quản lý, cấp phát Hộ chiếu vắc-xin cho các nước thành viên của EU

Hạ tầng kỹ thuật chung của Liên minh Châu Âu là cổng DGCG (Digital Green Certificate Gateway), cổng này quản lý danh sách tin cậy các cơ quan chứng thực số quốc gia CSCA của các nước thành viên (tương tự Thư mục khóa công khai PKD của WHO) và các chứng thư số ký phát hành Hộ chiếu vắc-xin DSC. Mỗi quốc gia thành viên sẽ thiết lập một hệ thống quản lý phát hành Hộ chiếu vắc-xin (Backend) bao gồm 01 hệ thống CSCA cấp phát các chứng thư số ký số Hộ chiếu vắc-xin, các chứng thư số phục vụ bảo mật đường truyền gửi nhận giữa Backend và cổng DGCG.

Thí điểm triển khai Hộ chiếu vắc-xin tại Việt Nam

Tại phiên họp ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội. Một trong số đó là nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang). Ngày 22/6/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã ký văn bản số 4159/VPCP-TKBT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế và thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Văn bản nêu rõ, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội (văn bản số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang.

Về hệ thống kỹ thuật, bước đầu Việt Nam đã triển khai các hệ thống kỹ thuật để quản lý, cấp phát Hộ chiếu vắc-xin. Hiện nay đã có hàng triệu người đã được cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 điện tử. Việc nghiên cứu các chuẩn của Tổ chức y tế thế giới, Liên minh Châu Âu để thực hiện liên thông với các hệ thống kỹ thuật đang được tiếp tục nghiên cứu và áp dụng trong thời gian tới.

Hộ chiếu vắc-xin vẫn đang được tranh luận trên toàn thế giới như là công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở lại các tuyến đường du lịch và nền kinh tế, đồng thời chấm dứt dần những hạn chế nghiêm trọng về quyền và tự do được đặt ra trong thời kỳ đại dịch. Những cơ hội mang lại khi áp dụng Hộ chiếu vắc-xin bao gồm: 1) một công cụ để mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn; 2) một cách để giúp các cá nhân trở lại “cuộc sống bình thường” một cách an toàn hơn, do đó cho thấy một lối thoát khỏi những hạn chế của đại dịch ảnh hưởng đến quyền tự chủ của cá nhân và cơ quan mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tập thể; 3) kiểm tra an ninh nhanh hơn, hiệu quả hơn, “liền mạch” và chủ yếu là ít chạm cho khách du lịch, do đó giảm thiểu rủi ro lây nhiễm khi đi du lịch; 4) một công cụ để giảm lây truyền COVID-19 một cách tổng quát hơn trong dân cư.

Tuy nhiên, cũng có nhiều rủi ro và chúng liên quan đến những thách thức về khoa học, đạo đức và công nghệ. Những thách thức khoa học liên quan đến thực tế là, mặc dù vắc-xin có tác dụng bảo vệ một cá nhân được tiêm chủng khỏi mắc bệnh COVID-19, nhưng hiện tại vẫn chưa có sự đồng thuận khoa học về khả năng giảm lây truyền COVID-19 của một cá nhân đã tiêm vắc-xin lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, khi các biến thể COVID-19 tiếp tục gia tăng mạnh và lây lan, một số đã được chứng minh là có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Do đó, Hộ chiếu vắc-xin và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tiêm chủng phải linh hoạt và cho phép cập nhật liên tục.

Kết luận

Không thể phủ nhận rằng, hộ chiếu vắc-xin với những ưu việt đã được chỉ rõ là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi áp dụng Hộ chiếu vắc-xin, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều cần phải có thông tin đầy đủ, phải xem xét để áp dụng hiệu quả, an toàn.

Theo tạp chí An toàn thông tin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây