Trang chủ Bảo mật SafeMobile: Nền tảng “Make in Viet Nam” giúp bảo vệ trẻ em...

SafeMobile: Nền tảng “Make in Viet Nam” giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

0

Theo ictvietnam.vn- Điểm khác biệt và cũng như lý do ra đời của nền tảng SafeMobile là muốn bảo vệ cả trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên – nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng thiết bị thông minh rất lớn, cho mục đích học tập, giải trí, mạng xã hội… nhưng nhận thức về an toàn thông tin (ATTT) chưa cao, dễ bị lừa đảo, tấn công trên không gian mạng.

SafeMobile ra đời với mong muốn bảo vệ cả trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên – nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng thiết bị thông minh rất lớn nhưng dễ bị lừa đảo, tấn công trên không gian mạng.

Chia sẻ bài viết này

Giúp bảo vệ lứa tuổi vị thành niên, nhóm dễ bị tấn công nhất trên mạng

Theo báo cáo từ DQ Institute, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có Chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em ở mức thấp của thế giới. Khảo sát của Nielsen đối với nhóm đối tượng trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam cho thấy thanh thiếu niên lên mạng cho việc học và giải trí thường đối mặt với những mối nguy trên mạng như nội dung bạo lực, bắt nạt trên mạng, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.

Về phía phụ huynh, khảo sát an toàn trực tuyến các bậc phụ huynh tại Việt Nam và 15 nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Nam Mỹ thực hiện bởi Qaltrics và Google từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy 71% phụ huynh có con nhỏ học các lớp trực tuyến trong thời điểm đại dịch COVID đều có quan ngại về vấn đề an toàn trên mạng nhưng hơn 1/3 số phụ huynh được phỏng vấn chưa bao giờ nói chuyện với trẻ nhỏ về vấn đề an toàn trên mạng.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, các công cụ công nghệ nhằm bảo vệ trẻ em chưa thực sự phổ biến nhưng trên thị trường thế giới các sản phẩm này không còn quá xa lạ với người dùng. Ví dụ như Apple Screentime hay Google Family Link, 2 nền tảng khá tiêu biểu và miễn phí, tuy nhiên nhược điểm của các phần mềm này là nhiều tính năng bị giới hạn và không được sử dụng trên đa nền tảng, nghĩa là máy bố mẹ và máy con phải cùng hệ điều hành iOS hoặc Android. Hay với Qstodio, Kaspersky SafeKid cho phép người dùng sử dụng các hệ điều hành khác nhau tuy nhiên giá thành khá cao.

Ngoài ra, trên thực tế, các sản phẩm này tập trung nhiều vào việc quản lý ứng dụng và thời gian sử dụng hoặc thiết bị của trẻ nhỏ (dưới 13 tuổi) mà chưa đào sâu yếu tố bảo mật, an toàn thông tin (ATTT). Cụ thể hơn, thiết bị của trẻ vẫn có khả năng bị tấn công bằng hình thức phishing, mã độc… khi dùng các sản phẩm trên.

Trong khi, đối tượng trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên chưa đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để phân biệt nội dung tốt nào là tốt, nội dung nào là xấu và nên bỏ qua. Các em cũng đang ở lứa tuổi muốn tìm hiểu và khám phá mọi thứ, luôn tò mò về thế giới xung quanh nên việc bị dụ dỗ, lôi kéo và lợi dụng rất dễ xảy ra. Chưa dừng ở đó, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng hiện nay cực kỳ tinh vi, thậm chí ngay cả người lớn nếu không có đủ kiến thức về an ninh mạng hay những kiến thức xã hội nhất định cũng có thể bị tấn công.

Chình vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar, đơn vị này đã quyết định cho ra mắt giải pháp SafeMobile, ứng dụng di động giúp quản lý và giám sát thiết bị, hành động của con nhỏ trên không gian mạng.

“Điểm khác biệt của SafeMobile so với các sản phẩm khác là ứng dụng này không những chú trọng vào trẻ nhỏ mà còn muốn bảo vệ lứa tuổi vị thành niên – nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng thiết bị thông minh rất lớn, cho mục đích học tập, giải trí, mạng xã hội… nhưng nhận thức ATTT chưa cao, dễ bị lừa đảo, tấn công”, ông Đức nhấn mạnh.

Dịch COVID-19 đã cho thấy sự cấp thiết của việc bảo vệ trẻ em trên Internet

Theo đó, giải pháp SafeMobile gồm 3 tính năng chính, bao gồm: SafeZone giúp bảo vệ con trẻ trên không gian mạng trước những nội dung độc hại; SafeMobile giúp hạn chế trẻ em quá ham mê thiết bị thông minh; SafeKid giúp bảo vệ con trẻ trong những trường hợp khẩn cấp. Giải pháp sẽ được thực hiện trên các nền tảng như trên thiết bị di động (iOS và Android), máy tính (Windows và MacOS), tích hợp vào thiết bị cấp phát mạng (modem) và đường truyền nhà mạng.

Cụ thể, đối với tính năng SafeZone, đầu tiên nó cho phép phòng chống mã độc, lừa đảo, khi con trẻ truy cập các nội dung này thì sẽ bị chặn lại và gửi cảnh báo cho cha mẹ. Đồng thời, tính năng này cũng cha mẹ quản lý nội dung của con trẻ trên không gian mạng.

Với SafeMobile, cha mẹ có thể quản lý bằng cách cho phép những ứng dụng con được phép sử dụng, qua đó con trẻ sẽ không được phép truy cập khi đã bị khoá. Tính năng này cũng giúp cha mẹ quản lý thời lượng sử dụng thiết bị và các con sẽ không được tiếp tục sử dụng thiết bị khi đã ngoài thời gian cho phép.

Tính năng cuối cùng là SafeKid, giúp cha mẹ cập nhật vị trí theo thời gian thực và nhận cảnh báo SOS khi con gặp nguy hiểm.

Ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar, đơn vị phát triển nền tảng giúp bảo vệ truy cập của trẻ em trên không gian mạng SafeMobile.

Cũng theo ông Đức, trong quá trình phát triển, nền tảng SafeMobile đã gặp một số thuận lợi nhất định, như sự định hướng và ủng hộ của nhà nước, Bộ TT&TT, cụ thể là Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trinh “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến xu hướng học tập online trở nên cần thiết và phổ biến hơn bao giờ hết. Từ đó, nhà trường và các bậc phụ huynh thấy được sự cấp thiết của các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Mặc dù vậy, trong quá trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm này CyRadar cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Trước hết việc phát triển sản phẩm mobile là một hướng đi mới, cần nhiều thử nghiệm với đội ngũ nhân sự vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển phần mềm trên các nền tảng khác.

Bên cạnh đó, Apple và Google cũng áp dụng nhiều điều khoản nhằm khống chế số lượng và nâng cao chất lượng của dòng sản phẩm nhạy cảm này. Đơn cử năm 2019, Apple đã cấm tất cả các sản phẩm cho phép cha mẹ có thể thiết lập những nội dung mà con trẻ có thể truy cập (parental control) – trên Appstore. Dù sau đó, Apple đã gỡ bỏ lệnh cấm nhưng nâng mức độ kiểm duyệt và hạn chế lên rất nhiều.

“Điều đó đồng nghĩa với việc để có mặt trên App Store hay CH Play, SafeMobile phải đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ cả về nội dung, hiệu năng sử dụng, trải nghiệm người dùng và tuân thủ nghiêm ngặt luật về quyền và bảo vệ dữ liệu người dùng (GDPR) – điều phải liên tục được thắt chặt qua các năm”, ông Đức nhấn mạnh.

Sẽ bắt tay nhà mạng để phân phối tới người dùng thuận lợi nhất

Bên cạnh việc vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của Apple Store và Google Play Store và có mặt trên 2 thị trường ứng dụng lớn này, SafeMobile cũng đang làm việc với nhà mạng để phân phối sản phẩm này đến người dùng một cách thuận tiện và dễ dàng nhất.

So với với các sản phẩm tương tự trên thế giới, theo ông Đức, về về khả năng bảo mật, SafeMobile không thua kém bất kỳ sản phẩm nước ngoài nào. Tuy nhiên, so với một số sản phẩm hàng đầu trên thế giới, do sinh sau đẻ muộn, CyRadar cũng cần nhiều thời gian phân tích và thu thập dữ liệu lớn để làm dữ liệu đầu vào cho sản phẩm.

Thêm vào đó, do được tập trung phát triển dành riêng cho người dùng Việt, SafeMobile sở hữu rất nhiều tính năng nổi trội, chuyên biệt, dựa trên thực trạng sử dụng ứng dụng, thiết bị mạng và tình hình bảo mật tại Việt Nam.

“Sắp tới, CyRadar sẽ đồng bộ và phát triển bộ sản phẩm này trên máy tính và các thiết bị thông minh khác, ví dụ như Smart TV”, ông Đức nói.

Đánh giá về các quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Đức khẳng định, không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải sửa đổi, bổ sung các quy định, điều luật nhằm bảo vệ người dùng nhỏ tuổi trên Internet.

Tuy nhiên, do sự bùng nổ và phát triển liên tục của CNTT nên sẽ rất khó để nói bao nhiêu quy định là đủ. Bởi vì, ngay cả khi có những điều luật nhất định, bắt buộc người dùng phải tuân thủ thì tin tặc và kẻ xấu vẫn có rất nhiều cách để lách luật, sử dụng những cách thức tấn công mới, mã độc chưa từng xuất hiện để tấn công.

“Vì vậy tôi tin rằng chúng ta không nên ngồi chờ để con em mình được bảo vệ bởi quy định chung chung mà hãy chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các giải pháp ATTT. Từ đó có thể quản lý con cái phù hợp khi học tập trên không gian mạng đầy rẫy nguy cơ như hiện nay”, ông Đức nhấn mạnh.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version