“Tường lửa” pháp lý chặn tội phạm mạng

0
424

Liên tiếp những vụ tấn công an ninh mạng có chủ đích nhằm vào hệ thống thông tin của một số cơ quan, đơn vị và cá nhân diễn ra vừa qua cho thấy, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam sẽ còn diễn biến rất phức tạp.


Luật An ninh mạng sẽ góp phần phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại an ninh quốc gia hoặc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng

Gần đây nhất là cảnh báo hacker sử dụng email giả mạo tên miền gov.vn (tên miền dành cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước của Việt Nam) để chiếm đoạt thông tin người dùng và vụ nhóm tin tặc 1973cn của Trung Quốc được cho là đã tấn công vào hệ thống an ninh mạng của TP Đà Nẵng… Nhóm này cũng chính là tác giả của cuộc tấn công mạng có chủ đích với quy mô lớn vào hệ thống thông tin tại các sân bay lớn ở Viêt Nam vào tháng 7-2016. Cũng trong tháng 7-2016, trang web chính thức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bị tin tặc tấn công, thay đổi hẳn giao diện.

Mới đây, cuối tháng 7-2018, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã ghi nhận các hình thức tấn công có chủ đích của tin tặc nhắm vào một số cơ quan Nhà nước tại khu vực miền Trung. Trước đó, nhiều ngân hàng lớn đã phát đi thông tin cảnh báo tội phạm công nghệ cao xâm nhập trái phép vào email của khách hàng, thay đổi thông tin người được hưởng thụ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền…

Rõ ràng, trong không gian mạng hiện nay, không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có thể tự nhận là an toàn tuyệt đối. Ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, giáo dục… bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Trong bối cảnh nhiều nguy cơ như vậy, Luật An ninh mạng 2018, vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ năm (có hiệu lực từ 1-1-2019) được xem là “bức tường lửa” pháp lý đặc biệt quan trọng để bảo vệ không gian mạng quốc gia cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân khỏi tội phạm mạng.

Điều này được thể hiện rõ nét qua những nguyên tắc cơ bản được Luật đặt ra là “kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”; “chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng” và “mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh”…

Ảnh hưởng tiêu cực của các thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội cũng như những vụ tấn công có chủ đích trên Internet là quá rõ và thủ đoạn của tội phạm mạng thì ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hành lang pháp lý để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng chống tội phạm mạng đang dần được hoàn thiện.

Vấn đề quan trọng hiện nay là phải triển khai có hiệu quả Luật An ninh mạng, nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống để góp phần lập lại trật tự, an ninh trên không gian mạng quốc gia. Không có đạo luật nào là hoàn hảo và thực tế cuộc sống đòi hỏi hệ thống pháp luật liên tục điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, nói như một vị đại biểu Quốc hội, “các đạo luật ra đời là để phúc đáp lại yêu cầu của xã hội” và bây giờ, xã hội đang rất cần đảm bảo an ninh mạng thì “dứt khoát phải bấm nút thông qua Luật An ninh mạng”! Xử lý thích đáng các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng cũng là đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và bảo vệ an ninh quốc gia…

(Theo An Ninh Thủ Đô)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây