Dữ liệu cá nhân đã trở thành tài sản và là mục tiêu của các tổ chức tội phạm công nghệ cao. Các tổ chức tội phạm công nghệ cao đã sử dụng nhiều thủ đoạn công nghệ tinh vi, phức tạp để tấn công mạng, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân (DLCN) để sử dụng với mục đích xấu. Vì vậy, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết.
.jpg)
Năm 2024, Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ, bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2025. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật này tại kỳ họp 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2025. Luật này sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực bảo vệ; sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay việc quản lý dữ liệu cá nhân được thực hiện theo Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo Bộ Công an, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, đơn vị thu thập không xác định được dữ liệu cá nhân được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, chuyển giao cho ai, tác động thế nào. Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Thậm chí, nhiều chủ thể dữ liệu không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình.
Trong một không gian mạng kết nối, việc bảo vệ DLCN cần phải được đồng bộ, có sự phối hợp của chủ thể là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với các đơn vị nghiệp vụ chuyên trách về an ninh mạng. Chỉ một khâu yếu, một lỗ hổng, đối tượng xấu sẽ lợi dụng để tấn công. Với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như hiện nay, DLCN đang trở thành nguồn nguyên liệu cơ bản, ngày càng quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ DLCN, có nhiều mối quan hệ xã hội có liên quan tới DLCN, như: giữa tổ chức thu thập với chủ thể dữ liệu, giữa cơ quan quản lý nhà nước với chủ thể dữ liệu; giữa chủ thể dữ liệu với chủ thể dữ liệu (cá nhân với cá nhân), giữa tổ chức với chủ thể dữ liệu. Mặc dù tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định các nội hàm liên quan tới DLCN nhưng chưa có văn bản Luật quy định trực tiếp bảo vệ DLCN. Với sự trùng dẫm, chồng chéo nhưng lại thiếu hiệu lực, hiệu quả như hiện nay, việc xây dựng một văn bản mới, điều chỉnh toàn bộ các vấn đề là cần thiết.
Ngoài ra, chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới DLCN hiện còn đang thiếu, yếu về hiệu lực, chưa đủ sức răn đe, xử lý thích đáng đối với hành vi vi phạm. Cần thiết bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ DLCN, cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ DLCN.
Trong chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7, chiều 26/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, các vị đại biểu thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 68 điều được xây dựng dựa trên cơ sở luật hóa quy định của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày 17/4/2023 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: “Cần rà soát các quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định kinh doanh có điều kiện liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là 5 dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân đã quán triệt và bãi bỏ được 30% điều kiện kinh doanh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước chưa? Chỗ này giao cho Chính phủ quy định để làm thế nào quản lý được nhưng không đặt gánh nặng lên doanh nghiệp, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, triệt để cắt giảm để đơn giản hóa thủ tục hành chính”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại và ý kiến đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, bổ sung hồ sơ bảo đảm chất lượng để gửi cho Quốc hội tổ chức thẩm tra chính thức và trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, nếu đủ điều kiện.
“Đây là lĩnh vực mới, trong quá trình làm chúng ta vừa tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân thấy rõ thách thức, thời cơ, đồng thời cũng tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng luật cũng như sau khi luật được ban hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng trên quan điểm nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Xác định dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ tổ quốc.
Đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; thúc đẩy ứng dụng, phát huy tối đa các thành tựu khoa học và công nghệ; hạn chế tiêu cực, bất lợi. Phù hợp với các quy định của pháp luật, rà soát, tạo nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Xác định lộ trình phù hợp thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta hiện nay. Hài hòa với quy định, pháp luật, kinh nghiệm của thế giới. Bảo đảm sự phù hợp với các quy định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên.
Hà Phương