Trước yêu cầu cấp thiết của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong việc làm chủ các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, vi mạch bán dẫn và mật mã lượng tử. Bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong bốn lĩnh vực công nghệ chiến lược tại Việt Nam, đồng thời làm rõ định hướng chiến lược quốc gia và dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai. Trên cơ sở đánh giá hệ thống giáo dục – đào tạo hiện nay, kết hợp với các nghiên cứu tình huống điển hình và bài học kinh nghiệm quốc tế, bài viết nhấn mạnh vai trò then chốt của việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, một số chính sách cụ thể được đề xuất nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng hệ sinh thái nhân lực công nghệ vững mạnh, giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội, bắt kịp xu hướng toàn cầu, làm chủ các công nghệ lõi và đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội gắn với giữ vững chủ quyền số quốc gia.
Cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế – xã hội toàn cầu thông qua sự trỗi dậy của hàng loạt công nghệ đột phá như AI, Blockchain, vi mạch bán dẫn và điện toán lượng tử. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, việc tiếp cận, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này được xem là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo đảm an ninh trong kỷ nguyên số.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chiến lược quan trọng như Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 về chủ động tham gia CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, cùng với các đề án phát triển công nghiệp vi mạch và chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ cao. Tuy nhiên, khoảng cách giữa năng lực đào tạo hiện tại và yêu cầu thực tiễn vẫn còn đáng kể. Nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI, Blockchain, vi mạch và mật mã lượng tử hiện chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, do chương trình đào tạo còn thiếu cập nhật, cơ sở vật chất hạn chế và đội ngũ giảng viên còn mỏng. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá toàn diện thực trạng đào tạo nhân lực công nghệ tại Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, là cơ sở thiết yếu để xây dựng các chính sách khả thi và hiệu quả. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn để Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” trong cuộc đua toàn cầu về công nghệ, nơi nhân lực chính là nền tảng quyết định thành công.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc tại Học viện Kỹ thuật mật mã về công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Bốn lĩnh vực công nghệ nêu trên đều giữ vai trò chiến lược với tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế, chuyển đổi số và đảm bảo chủ quyền số quốc gia. AI – công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 đang được đào tạo tại nhiều trường đại học lớn, song vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia chất lượng cao và hạ tầng nghiên cứu chuyên sâu. Blockchain – công nghệ lưu trữ dữ liệu phi tập trung đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như tài chính và chính phủ điện tử, nhưng đào tạo chính quy vẫn chủ yếu dựa vào các khóa ngắn hạn và sáng kiến từ doanh nghiệp. Vi mạch bán dẫn – “trái tim” của mọi thiết bị điện tử, hiện là lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều trường đại học và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, song cần đảm bảo chất lượng trong quá trình mở rộng đào tạo. Mật mã lượng tử – nền tảng bảo mật trong tương lai vẫn chủ yếu ở giai đoạn nghiên cứu và cần được đưa sớm vào đào tạo để chuẩn bị lực lượng chuyên gia phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu. Tổng quan cho thấy, cả bốn lĩnh vực đều đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục – đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ sinh thái nhân lực công nghệ vững chắc cho tương lai.
ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VÀ NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC TRONG TƯƠNG LAI
Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024) và 20 năm đào tạo ngành An toàn thông tin
Trước bối cảnh CMCN 4.0, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ vai trò chiến lược của các công nghệ mới nổi như AI, Blockchain, vi mạch bán dẫn và mật mã lượng tử, đồng thời xây dựng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Cụ thể:
Trong lĩnh vực AI, Chiến lược quốc gia đến năm 2030 (Quyết định 127/QĐ-TTg) đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI tại ASEAN, đào tạo 7.000 chuyên gia trình độ quốc tế và phổ cập kiến thức AI cho lực lượng lao động.
Với Blockchain, tuy chưa có chiến lược riêng, nhưng công nghệ này đã được tích hợp vào chương trình phát triển kinh tế số, cùng các nỗ lực xây dựng khung thể chế thử nghiệm và thúc đẩy hoạt động của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Dự báo trong 5 đến 10 năm tới, nhu cầu nhân lực Blockchain sẽ tăng nhanh ở các lĩnh vực tài chính, Logistics, chính phủ điện tử, đặc biệt với các vị trí như kỹ sư Blockchain, chuyên gia hợp đồng thông minh.
Về vi mạch bán dẫn, đây là lĩnh vực ưu tiên chiến lược quốc gia, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, đào tạo, thể chế để thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và khu công nghệ cao.
Đối với mật mã lượng tử dù chưa có chiến lược riêng nhưng đã được đề cập trong Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hướng đến bảo vệ thông tin trước các nguy cơ từ máy tính lượng tử. Mặc dù nhu cầu hiện tại còn hạn chế, nhưng trong dài hạn, nhân lực mật mã lượng tử sẽ trở nên thiết yếu đối với các cơ quan an toàn thông tin, doanh nghiệp, ngân hàng và viễn thông.
Nhìn chung, các định hướng chiến lược quốc gia đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của yếu tố con người. Dù đã có các mục tiêu cụ thể về số lượng chuyên gia cần đào tạo, thách thức lớn vẫn nằm ở khâu tổ chức thực hiện và khả năng đáp ứng nhanh với biến động công nghệ.
Trong bối cảnh đó, bài học từ các quốc gia như Mỹ đã đầu tư mạnh cho R&D và đào tạo qua đạo luật CHIPS & Science Act, Hàn Quốc đưa AI vào giáo dục phổ thông, gắn đào tạo với doanh nghiệp, Singapore chủ động phát triển hệ sinh thái học tập suốt đời, thu hút chuyên gia toàn cầu, cùng với các sáng kiến của Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là mở rộng đào tạo qua học viện và nền tảng số đều cho thấy một điểm chung là vai trò chủ đạo của nhà nước, hệ thống giáo dục linh hoạt, doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo, và chính sách mở về nhân lực quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam định hình các bước đi phù hợp trong phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ MỚI NỔI TẠI VIỆT NAM
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (đứng ngoài cùng bên phải) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Học viện Kỹ thuật mật mã
Trên cơ sở phân tích thực trạng trong nước và kinh nghiệm quốc tế, việc phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI, Blockchain, vi mạch bán dẫn và mật mã lượng tử đòi hỏi một chiến lược toàn diện, có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Dưới đây là các đề xuất chính sách trọng tâm nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ nhất, cập nhật chương trình đào tạo và mở ngành mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các trường đại học cập nhật nội dung giảng dạy, phát triển các môn học và chuyên ngành mới sát với xu hướng công nghệ toàn cầu như: Kỹ thuật vi mạch và hệ thống nhúng; Công nghệ Blockchain; AI và khoa học dữ liệu; An toàn thông tin hậu lượng tử. Việc mở ngành cần đi đôi với xây dựng chuẩn đầu ra cụ thể và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho chương trình, thiết bị và tài liệu học tập chuyên sâu.
Thứ hai, phát triển đội ngũ giảng viên và thu hút chuyên gia
Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thông qua học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ tại các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Đồng thời, tạo cơ chế linh hoạt để mời chuyên gia từ viện nghiên cứu, doanh nghiệp và Việt kiều có chuyên môn cao tham gia giảng dạy, hướng dẫn đề tài, hoặc tổ chức chuyên đề ngắn hạn. Về dài hạn, cần hình thành lực lượng giảng viên nòng cốt thông qua đào tạo lại và cập nhật kiến thức mới.
Thứ ba, tăng cường hợp tác nhà trường – doanh nghiệp
Thiết lập mô hình “học kỳ doanh nghiệp” và thực tập bắt buộc để sinh viên trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời xây dựng phòng thí nghiệm liên kết ngay trong trường với sự tài trợ từ doanh nghiệp về thiết bị, phần mềm và chuyên gia. Nhà nước cần ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo thông qua ưu đãi thuế hoặc công nhận đóng góp.
Thứ tư, tạo động lực học tập và truyền thông hướng nghiệp
Phát triển hệ thống học bổng quốc gia và doanh nghiệp dành cho các ngành công nghệ mới nổi, miễn học phí cho sinh viên theo học các ngành khan hiếm như vi mạch, mật mã lượng tử. Tổ chức các cuộc thi, hackathon, chương trình ươm tạo khởi nghiệp quy mô quốc gia để khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường truyền thông hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm định hướng từ sớm.
Thứ năm, phát triển trung tâm đào tạo chuyên sâu và chứng chỉ ngắn hạn
Xây dựng mạng lưới các trung tâm đào tạo chuyên sâu (CoE) trong lĩnh vực AI, Blockchain, bán dẫn, mật mã lượng tử nhằm đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Phát triển các chương trình chứng chỉ ngắn hạn theo chuẩn kỹ năng, công nhận tương đương một phần tín chỉ đại học, hướng đến việc thành lập các học viện công nghệ cao quy mô khu vực.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao tri thức
Tham gia tích cực vào các mạng lưới đào tạo toàn cầu, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore. Tận dụng nguồn lực chuyên gia người Việt ở nước ngoài trong phát triển chương trình, giảng dạy và cố vấn khởi nghiệp; mở rộng học bổng nhà nước và chương trình trao đổi cho sinh viên, giảng viên ưu tú.
Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế và đầu tư dài hạn từ nhà nước
Ưu tiên ngân sách cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để giữ chân giảng viên, nhà khoa học đầu ngành. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: “Đào tạo 100 chuyên gia mật mã lượng tử đến 2030”, “Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trình độ cao”, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ để điều chỉnh chính sách kịp thời.
Những chính sách trên cần được triển khai đồng bộ, linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chỉ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến doanh nghiệp, Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng nhân lực công nghệ vững mạnh, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao trong kỷ nguyên mới.
KẾT LUẬN
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI, Blockchain, vi mạch bán dẫn và mật mã lượng tử là điều kiện tiên quyết để Việt Nam nắm bắt cơ hội và ứng phó hiệu quả với những thách thức trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực ban đầu, song khoảng cách giữa nhu cầu và năng lực đào tạo vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhân lực công nghệ cao dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Bài viết đã phân tích định hướng chiến lược quốc gia, thực trạng đào tạo hiện nay và kinh nghiệm quốc tế, từ đó khẳng định sự cần thiết của một chính sách đào tạo nhân lực toàn diện, linh hoạt và đổi mới. Các giải pháp đề xuất từ điều chỉnh chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, gắn kết với doanh nghiệp, đến tăng cường hợp tác quốc tế, cần được triển khai đồng bộ và có lộ trình rõ ràng. Nếu thực hiện hiệu quả, Việt Nam có thể hình thành một lực lượng chuyên gia công nghệ vững vàng, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an ninh – chủ quyền số, và từng bước khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ninh, A. (2024, February 29). Làm sao để Việt Nam có được 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030? Báo Dân trí. [2] Thanh Tùng. (2024, January 26). Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Báo Nhân Dân. [3] Anh Quân. (2024, April 25). Đào tạo Blockchain và AI cho 1 triệu người Việt. Báo Thanh Niên. [4] Hội An. (2024, June 12). Ra mắt Trung tâm đào tạo và khởi nghiệp Blockchain Việt Nam. VnExpress. [4] Tra My. (2024, March 20). Chip training – the hot new trend for 2024. Vietnam Investment Review. [5] Ministry of Planning and Investment (MPI). (2024, November 15). Shaping Vietnam’s AI future – Workshop proceedings. NIC. [6] Chính phủ Việt Nam. (2024, December 26). ABAII Unitour 21: Sinh viên ngân hàng nắm bắt cơ hội trong ngành fintech với Blockchain và AI. https://chinhphu.vn [7] Infocomm Media Development Authority (IMDA). (2024, March 1). IMDA scales efforts to level up Singapore’s tech talent. https://imda.gov.sg [8] SyncedReview. (2020, November 23). South Korea to introduce AI to high school education in 2021; to train 5,000 teachers by 2025. https://syncedreview.com [9] Asia Times. (2024, August 8). Vietnam becoming a chip-making powerhouse. https://asiatimes.com |
TS. Hoàng Văn Thức , Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã