Tham dự Hội thảo, về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Đại tá Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng; cùng đại diện lãnh đạo của một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Hội thảo cũng có sự tham dự của Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng; TS. Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.
Hiện nay, chuyển dịch hoạt động theo hướng số hoá là xu hướng được nhiều cơ quan nhà nước và các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam triển khai nhằm cải thiện và tối ưu hoá hiệu quả vận hành. Tuy nhiên song hành cùng đó cũng là những “điểm yếu” dễ bị tin tặc khai thác và thâm nhập, khiến quy trình bảo mật thông tin của các tổ chức ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, các cuộc tấn công không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất, mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá huỷ dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các hạ tầng trọng yếu của quốc gia, doanh nghiệp. Vì vậy, trong những năm vừa qua, mức độ đầu tư của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam dành cho các giải pháp bảo mật đã có sự cải thiện đáng kể.
Với mong muốn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng cập nhật và thích ứng với các xu hướng an toàn, an ninh mạng thế hệ mới, Hội thảo diễn ra dưới sự đồng bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp chuyên môn với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tổ chức.
Với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn”, sự kiện hướng đến mục tiêu cung cấp một diễn đàn giúp các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng.
Hội thảo diễn ra với 01 Phiên Báo cáo chính được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến và 02 Hội thảo chuyên đề. Phiên Báo cáo chính của sự kiện có chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn”, đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn, an ninh mạng và xu hướng bảo mật hàng đầu hiện nay cùng với những định hướng triển khai đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu.
Nổi bật là bài tham luận của ông Lê Quang Hà, Giám đốc Giải pháp An toàn thông tin cho Doanh nghiệp, Công ty An ninh mạng Viettel, với nội dung về tình hình tấn công mạng tại Việt Nam 2020 và một số cách tiếp cận mới để hạn chế tấn công. Trong đó, ông cho biết, các xu hướng tấn công mạng chủ yếu tại Việt Nam bao gồm: tấn công có chủ đích APT, tấn công giả mạo và tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) (năm 2020, ghi nhận 3.044.685 cuộc tấn công DDoS). Cùng với đó, có nhiều cách tiếp cận mới để hạn chế các cuộc tấn công mạng, điển hình là: xây dựng Trung tâm điều hành an ninh (SOC) hoạt động 24/7, phát hiện những điểm mù trong hệ thống an ninh mạng, chủ động ngăn chặn tấn công…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc lưu trữ, bảo mật dữ liệu của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề, phiên Tọa đàm cấp cao mang lại những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, những chiến lược an toàn, an ninh mạng của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật, lưu trữ dữ liệu, quản trị rủi ro.

Tại phiên Tọa đàm, Đại tá Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) cho biết: “1.000 dịch vụ công đã được triển khai trong 9 tháng đầu năm 2020, trong đó rất nhiều dịch vụ đã kê khai và đóng thuế. Từ đó, có thể thấy được xu hướng trong tương lai, Chính phủ điện tử sẽ ngày càng phát triển. Việc số hóa nhanh chóng và sử dụng dịch vụ công qua cổng thông tin sẽ giúp cho người dân tiết kiệm chi phí và doanh nghiệp sẽ phát triển hơn về kinh doanh trong tương lai”.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển đã gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ hữu ích của các lãnh đạo, đại biểu, đồng thời nhấn mạnh về việc các Bộ, ngành, địa phương cần phải nhanh chóng triển khai các chương trình dịch vụ công trực tuyến.
02 Hội thảo chuyên đề được diễn ra song song có chủ đề: “Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng cho các hạ tằng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia” và “Bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp thế hệ mới” đề cập đến các giải pháp, công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, cũng như các xu hướng rủi ro an toàn, an ninh mạng và các giải pháp của doanh nghiệp nhằm đối phó với những cuộc tấn công dữ liệu.
Song song với Hội thảo, Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng đã diễn ra với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong đó bao gồm Dịch vụ Giám sát và sử lý sự cố an toàn thông tin do Công ty An ninh mạng Viettel phát triển, với những ưu điểm nổi bật như: Hỗ trợ giám sát và ứng cứu sự cố 24/7/365; Hỗ trợ giám sát và ứng cứu sự cố trên tất cả các lớp trong hệ thống; Thực hiện bảo vệ chủ động định kỳ; Được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm có năng lực xử lý các sự cố phức tạp nhất; Tổ chức quản lý, vận hành và phối hợp theo 6 nhóm nhân sự: SOC manager, Content, Threat & 3 Tier giám sát.
