Trang chủ Bảo mật Chuyên gia ATTT của VinCSS tiếp tục phát hiện 2 lỗ hổng...

Chuyên gia ATTT của VinCSS tiếp tục phát hiện 2 lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên Microsoft Office

0

Theo ICT-Mới đây, Microsoft đã công bố bản vá lỗi bảo mật “Patch Tuesday” tháng 10/2021. Đặc biệt, trong danh sách này, ông Trần Văn Khang, Trưởng nhóm phân tích mã độc, Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tiếp tục báo cáo 2 lỗ hổng ở mức độ “cao” tồn tại trong sản phẩm Microsoft Office Visio.

Ông Trần Văn Khang cũng là người Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật cao cấp GREM (GIAC Reverse Engineering Malware: Kỹ thuật dịch ngược mã độc) do Học viện An ninh mạng SANS (Mỹ) chứng nhận.

Theo đó, 2 lỗ hổng bảo mật với mã CVE-2021-40480 và CVE-2021-40481 tồn tại trong sản phẩm Microsoft Office Visio, thuộc các bộ ứng dụng Microsoft 365 Apps for Enterprise, Microsoft Office 2019 và Microsoft Office LTSC 2021 for Editions. Cả 2 lỗ hổng nếu bị khai thác sẽ cho phép tin tặc thực thi mã bất kì trên máy nạn nhân. Thành tích này nâng tổng số lỗ hổng bảo mật zeroday mà VinCSS phát hiện được lên 82 mã CVE* (định danh chuẩn hóa cho các lỗ hổng bảo mật trên toàn cầu).

Đây là thành tích công nghệ đẳng cấp thế giới không chỉ của riêng cá nhân ông Khang, mà còn thể hiện sự nỗ lực và đầu tư của Tập đoàn Vingroup trong lĩnh vực bảo mật, an ninh thông tin. Lực lượng chuyên gia của VinCSS luôn chủ động nghiên cứu để có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ, theo sát mọi xu hướng hiện đại thay đổi hàng ngày.

Trước đó, ngày 14/9/2021, Adobe phát hành bản vá cho các lỗ hổng bảo mật của ứng dụng Adobe Framemaker trên nền tảng Windows. Trong đó, có ba lỗ hổng được phát hiện, báo cáo bởi chuyên gia Trần Văn Khang. Các lỗ hổng này đều được ghi nhận ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dùng tại rất nhiều quốc gia bởi độ phổ biến, được sử dụng rộng rãi của ứng dụng.

Ngay sau đó, ngày 15/9, Trần Văn Khang tiếp tục được Microsoft ghi nhận việc phát hiện và cảnh báo ba lỗ hổng bảo mật mức nghiêm trọng tồn tại trong ứng dụng thuộc bộ sản phẩm Microsoft 365 Apps for Enterprise. Các lỗ hổng này cho phép tin tặc lợi dụng, chiếm quyền điều khiển thiết bị nạn nhân, truy cập vào mạng lưới của tổ chức và thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh mạng nguy hiểm, có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Trong thời gian gần ba năm làm việc tại VinCSS, chuyên gia Trần Văn Khang đều đặn nghiên cứu, phát hiện và trở thành chủ nhân của tổng cộng khoảng 29 mã CVE. Các phát hiện lỗ hổng bảo mật của Trần Văn Khang phần lớn là trong các sản phẩm thuộc các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Adobe và những phần mềm diệt virus phổ biến của Trend Micro, McAfee, Bitdefender, ESET. Các phát hiện này đã giúp các hãng công nghệ này kịp thời khắc phục và loại bỏ mối nguy hiểm đe doạ hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.

Ông Trần Văn Khang cho biết: “Tôi rất tự hào vì đã có cơ hội để đại diện cho các chuyên gia Việt Nam tham gia đóng góp cho cộng đồng an ninh mạng thế giới. Chúng tôi mong muốn và sẽ cố gắng để đóng góp nhiều kết quả thiết thực hơn nữa cho một môi trường Internet Việt Nam an toàn, là điều kiện quan trọng để đất nước phát triển”.

Lỗi bảo mật do ông Trần Văn Khang phát hiện mới được Microsoft công bố vào tháng 10/2021

Người Việt đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật GREM

Không chỉ vậy, vào tháng 4/2019, ông Trần Văn Khang đã xuất sắc vượt qua kỳ thi quốc tế và trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật cao cấp GREM (GIAC Reverse Engineering Malware: Kỹ thuật dịch ngược mã độc) do Học viện An ninh mạng SANS (Mỹ) chứng nhận.

Chứng chỉ bảo mật cao cấp GREM cung cấp cho các chuyên gia đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phân tích ngược mã độc nhắm vào các nền tảng phổ biến như Microsoft Windows và trình duyệt web. Qua đó, các chuyên gia sẽ dễ dàng nhận biết các mối nguy tiềm tàng và nhanh chóng đưa ra khả năng ứng phó tốt nhất với các sự cố và luôn củng cố độ phòng thủ của doanh nghiệp ở mức cao nhất.

Các chứng chỉ bảo mật GIAC có giá trị toàn cầu vì độ khó cũng như số lượng người đạt được trên toàn thế giới không nhiều. Việc đạt các chứng chỉ bảo mật cao cấp từ Học viện SANS (Mỹ) được xem như là giấc mơ của rất nhiều chuyên gia bảo mật trên thế giới./.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version