Trang chủ Tin tức - Sự kiện Khai trương Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ và Công...

Khai trương Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ và Công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia

0

Sáng 19/8/2020, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai trương

Tham dự Lễ khai trương có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và một số địa phương; Đại sứ các nước Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; các tổ chức quốc tế… Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban, cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành động và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, như các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Đến nay, hệ thống TTBCQG và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hệ thống thông tin báo cáo của 30 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống TTBCQG. Tính đến nay, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội được các Bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Hệ thống TTBCQG được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống TTBCQG theo phân cấp quản lý…

Hệ thống TTBCQG và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi đi vào hoạt động sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, đáp ứng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, trong đó Cổng Dịch vụ công quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải tạo điều kiện cho cán bộ tiếp thu đầy đủ các nền tảng công nghệ trong môi trường số hiện nay. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, phải hướng tới hệ thống thông tin chia sẻ liên Chính phủ trong một số lĩnh vực với một số nước trên thế giới, đặc biệt là những nước trong cộng đồng Asean.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là VNPT, Viettel cần tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần giúp các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất. Thủ tướng cũng nhấn mạnh và đánh giá cao vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Chính phủ điện tử nói chung. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi có đảm bảo được an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thì mới tạo được lòng tin để người dân và doanh nghiệp thường xuyên sử dụng.

Từ 08 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (09/12/2019), đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000. Sau 9 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4 nghìn hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.

Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Uớc tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version