Mỗi ngày có gần 45 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam

0
526

Trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 2.643 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Như vậy, trung bình mỗi ngày các hệ thống thông tin trong nước phải hứng chịu 44,7 sự cố tấn công mạng.

Tấn công mạng đang là mối đe dọa thường trực với mọi tổ chức

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong tháng 2, cơ quan này đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.260 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, số sự cố tấn công cài mã độc vẫn nhiều hơn cả, với 961 sự cố. Số sự cố tấn công lừa đảo (Phishing) và tấn công thay đổi giao diện (Deface) vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 2 lần lượt là 181 và 118 sự cố.

Mỗi ngày có gần 45 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam

Tuy nhiên, nếu tính cả 2 tháng đầu năm nay, tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam tương đối lớn, lên tới 2.643 sự cố, với 2.022 cuộc tấn công cài mã độc, 378 cuộc tấn công lừa đảo và 243 cuộc tấn công thay đổi giao diện.So với tháng 1, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống trong nước dẫn đến sự cố đã giảm 8,89%. Nguyên nhân giảm, theo phân tích của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, là do tháng 2/2022 là tháng nghỉ lễ Tết đầu năm âm lịch 2022, nên Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đều nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng cũng như an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, các đối tượng tấn công mạng cũng khó khăn hơn trong việc tấn công, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng cũng như của tổ chức.

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2022, tính trung bình mỗi ngày có 44,7 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 1,6 lần so với năm 2021. Trong năm ngoái, số sự cố tấn công mạng mà các hệ thống thông tin trong nước phải hứng chịu mỗi ngày là 26,6.

Chia sẻ tại hội thảo “Cải thiện năng lực phòng thủ thông qua hoạt động triển khai diễn tập thực chiến an toàn thông tin” vừa được tổ chức ngày 3/3 tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chỉ rõ: Chúng ta đang trong thời kỳ mà các cuộc tấn công mạng luôn là mối đe dọa thường trực tới hoạt động của mọi tổ chức, rộng lớn hơn là đe dọa an ninh quốc gia. Tấn công mạng là một phần trong chiến lược quân sự của các nước.

Trong các cuộc chiến gần đây, tấn công mạng đã được các bên sử dụng đồng thời với các hoạt động tấn công quân sự. Trên thực tế, những người làm trong lĩnh vực an toàn thông tin đều biết rằng các cuộc tấn công mạng vẫn đang hàng phút, hàng giây xuất hiện, kể cả những nơi không có chiến sự.

Năng lực đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức ngày càng cải thiện

Trong trao đổi với ICTnews hồi đầu năm nay về công tác đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, hàng năm, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả đánh giá các năm gần đây đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Hầu hết các cơ quan, tổ chức được đánh giá đều đã có sự quan tâm ngày càng tốt hơn đến an toàn thông tin, cải thiện qua từng năm.

“Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cũng đã quan tâm cơ bản đến công tác bảo đảm an toàn thông tin. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực sự gặp khó khăn trong vấn đề này. Đây là một thách thức không nhỏ do số lượng của các doanh nghiệp này lớn nhưng nguồn lực, kinh phí của doanh nghiệp cho an toàn thông tin lại rất hạn chế. Họ dễ trở thành mục tiêu tấn công mạng dễ bị tổn thương”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.

Mỗi ngày có gần 45 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam
Theo Cục An toàn thông tin, hầu hết các cơ quan, tổ chức được đánh  đều đã có sự quan tâm ngày càng tốt hơn đến an toàn thông tin, cải thiện qua từng năm. 

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, một trong những giải pháp được Cục An toàn thông tin chú trọng triển khai trong năm nay là phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và bảo vệ thông tin cá nhân.

Cùng với đó, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và các dịch vụ nền tảng số của doanh nghiệp cung cấp cho người dùng. Đây là các hệ thống thông tin thu thập và lưu trữ, xử lý lượng thông tin cá nhân rất lớn, cần bảo đảm an toàn thông tin ở mức cao.

Trong năm nay, Cục An toàn thông tin cũng sẽ chú trọng bảo đảm an toàn cho người dân trên không gian mạng thông qua hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kỹ năng và phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản. Đồng thời, triển khai đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng cho các websites, các dịch vụ nền tảng số trên không gian mạng để người sử dụng an tâm hơn khi truy cập và sử dụng dịch vụ trên không gian mạng.