Trang chủ Chưa được phân loại Tọa đàm “Dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế...

Tọa đàm “Dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam”

0
Sáng 8/5/2018, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á  phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tổ chức Tọa đàm “Dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; bà Lim May – Ann – Giám đốc điều hành Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành; các tổ chức, cơ quan ngoại giao; các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết: Theo kế hoạch, Luật An ninh mạng sẽ được thảo luận và thông qua trong thời gian sắp tới, dự kiến vào cuối tháng 05 năm 2018. Theo đó, an ninh mạng phải đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật An ninh mạng cũng cần tạo hành lang pháp lý để không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất tới doanh nghiệp cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin-viễn thông Việt Nam. – Thứ trưởng nhận định.
Theo Thứ trưởng: Hội thảo được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia sẽ góp thêm tiếng nói tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng. Từ góc độ đơn vị đồng tổ chức, Hội Truyền thông số Việt Nam sẽ ghi nhận các góp ý từ các đơn vị, doanh nghiệp trong hội thảo, từ đó hoàn thiện và đưa các ý kiến gửi văn bản tới các cơ quan liên quan.
Tại Tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông đánh giá: Dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của 3 nhóm doanh nghiệp: (1) nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng; (2) nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (còn gọi là Fintecb) và (3) nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung. Cụ thể, các quy định được đề xuất trong dự thảo Luật có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp đã nêu, gồm có: chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính.
Toàn cảnh Tọa đàm
Các chuyên gia đã tích cực thảo luận và đưa ra các phân tích, ý kiến đóng góp cho dự thảo. Các chuyên gia và diễn giả quốc tế tập trung nhấn mạnh về vai trò của điện toán đám mây trong sự phát triển kinh tế số của doanh nghiệp, vấn đề tự do dòng chảy dữ liệu toàn cầu và các hiệu quả kinh tế cũng như đưa ra các kinh nghiệm và giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng của các nước trong và ngoài khu vực.
Buổi Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá tác động và thu thập, tổng hợp thông tin, ý kiến của các doanh nghiệp ngành công nghệ, phần mềm, nội dung số và truyền thông trong và ngoài nước về các quy định có liên quan đến quyền pháp lý và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp để gửi đến Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version