Dự báo 10 xu hướng an ninh mạng năm 2020

0
911

Năm 2019 thế giới đã chứng kiến những sự cố nghiêm trọng về an ninh mạng. Mặc dù các doanh nghiệp đã bắt đầu nâng cao nhận thức hơn về vấn này, phần lớn vẫn cảm thấy khó khăn trong việc xác định và áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra dự báo về 10 xu hướng sẽ định hình tình trạng an ninh mạng toàn cầu năm 2020, nắm bắt những xu hướng này sẽ giúp bạn chuẩn bị và bảo mật cho hệ thống của mình tốt hơn!

1. Xâm phạm dữ liệu là mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu

Trong năm 2020, vi phạm dữ liệu tiếp tục là một trong những mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu và có xu hướng sẽ giữ nguyên vị trí cho đến chừng nào dữ liệu cá nhân còn là một món hàng giá trị đối với Chợ Đen. Nhờ vào sự thắt chặt của các bộ luật về bảo mật dữ liệu như GDPR, cũng như sự lo sợ bị ảnh hưởng về mặt hình ảnh khi một sự cố dữ liệu xảy ra, doanh nghiệp hiện nay đã ưu tiên việc đảm bảo an toàn dữ liệu, đặc biệt là thông tin cá nhân của khách hàng lên hàng đầu.

2. Sự thiếu hụt của các chuyên gia an ninh mạng

Nhu cầu đối với các chuyên gia an ninh mạng tiếp tục vượt quá nguồn cung. Theo một báo cáo gần đây, hai phần ba doanh nghiệp trên toàn cầu cho biết họ thiếu hụt các kỹ sư bảo mật. Trong bối cảnh đó, các công cụ bảo mật tự động và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo mật là những giải pháp thay thế hợp lý và cần thiết.

3. Các vấn đề về bảo mật điện toán đám mây

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn đưa toàn bộ cơ sở hạ tầng cũng như dữ liệu lên đám mây và điều này đòi hỏi họ phải có những hướng tiếp cận mới để bảo mật dữ liệu và cơ sở hạ tầng trọng yếu của mình trong bối cảnh những mối đe dọa trên nền tảng điện toán đám mây sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Bảo mật và cấu hình data bucket không đúng cách cũng như sử dụng dịch vụ đám mây đến từ những nhà cung cấp không uy tín sẽ làm tăng nguy cơ bị xâm phạm dữ liệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ phát hiện ra phương pháp quản lý bảo mật thủ công sẽ không còn khả thi đối với các cơ sở hạ tầng ứng dụng web lớn và họ sẽ buộc phải suy nghĩ lại về phương pháp bảo mật ứng dụng web của mình.

4. Tích hợp và tự động hóa

Các chuyên gia an ninh mạng, nhà phát triển, kỹ sư phần mềm,… đều đang nỗ lực để có thể làm được nhiều hơn với ít nguồn lực hơn (do more with less) và việc tích hợp cũng như tự động hóa quá trình bảo mật là cách họ thực hiện điều này. Tích hợp bảo mật vào các quy trình nhanh như CI/CD và DevOps sẽ giúp doanh nghiệp quản lý được rủi ro trong khi vẫn duy trì tốc độ cần thiết để phát triển hệ thống. Các ứng dụng web mở rộng kết hợp với nhiều dịch vụ web đang ngày càng khó để bảo mật và các giải pháp tự động hóa sẽ trở nên cần thiết để giảm khối lượng công việc cho các doanh nghiệp bị thiếu nhân sự.

5. Nhận thức về an ninh mạng sẽ tăng cao

Với quá trình công nghệ hóa, số hóa đang diễn ra tại rất nhiều các doanh nghiệp, nhận thức về tầm quan trọng của an ninh mạng sẽ tăng cao một cách đáng kể, ngay cả đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp sẽ nhận ra việc có một chiến lược bảo vệ an ninh mạng cũng như kế hoạch phản hồi khi xảy ra sự cố an ninh mạng là điều cần thiết chứ không hề thừa thãi. Việc training nhân viên, ở tất cả mọi cấp độ, về an ninh mạng cũng sẽ trở nên phổ biến để nâng cao nhận thức bảo mật chung của toàn doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề bảo mật cũng sẽ được chú trọng hơn trong quá trình phát triển sản phẩm với quy trình SecDevOps/DevSecOps để tích hợp bảo mật vào tất cả các tầng phát triển của sản phẩm.

6. Ứng dụng mobile sẽ là một mối đe dọa an ninh mạng lớn

Ngày càng có nhiều nhân viên làm việc với sự trợ giúp của các ứng dụng mobile. Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu và các thông tin của doanh nghiệp sẽ được đưa lên những ứng dụng đó và gia tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm thông qua các ứng dụng này. Mỗi một thiết bị được nhân viên sử dụng để truy cập vào hệ thống của doanh nghiệp chính là một điểm cuối (end point) cần được bảo mật.

7. Gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng được tài trợ bởi chính phủ

Những cuộc tấn công an ninh mạng cấp cao được tài trợ bởi chính phủ sẽ chiếm một phần lớn trong bối cảnh an ninh mạng tương lai. Tin tặc có thể thực thi các cuộc tấn công DDoS gây ra vi phạm dữ liệu cao cấp, đánh cắp bí mật chính trị và công nghiệp, truyền bá các thông tin sai lệch, tạo ảnh hưởng đến các sự kiện và quan điểm toàn cầu,.. Nếu căng thẳng chính trị leo thang, các hoạt động trên sẽ có xu hướng gia tăng. Việc duy trì an ninh khi đối mặt với loại tội phạm mạng tiên tiến, có phạm vi toàn cầu này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp lớn và các tổ chức chính phủ phát triển các giải pháp nâng cao để phát hiện và hạn chế, loại bỏ các loại lỗ hổng mới.

8. Mối đe dọa đến từ các thiết bị IoT

Các doanh nghiệp hiện nay đang chạy đua trong việc đưa ra những thiết bị với các công nghệ mới mà bỏ quên vấn đề bảo mật. Vì vậy, sự bùng nổ của các thiết bị IoT cũng kéo theo rất nhiều vấn đề về bảo mật như: thông tin bí mật được nhúng vào mã nguồn mà không được mã hóa, không mã hóa dữ liệu cá nhân, các bản cập nhập không được xác minh, giao diện web không được bảo vệ,… Tấn công các thiết bị IoT như router hay ổ cứng mạng có thể cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu và đóng vai trò làm điểm nối cho các cuộc tấn công cấp cao hơn hoặc hoạt động như một thiết bị điều khiển từ xa cho các cuộc tấn công DDoS.

9. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI

Sự tiên tiến của AI đã mang công nghệ học máy (machine learning) ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả an ninh mạng. Các thuật toán chuyên sâu đã được các chuyên gia an ninh sử dụng để nhận dạng khuôn măt, xử lý ngôn ngữ và phát hiện các mối đe dọa. Tuy nhiên, AI cũng được các tin tặc ứng dụng để phát triển mã độc và các phương thức tấn công tinh vi hơn, đòi hỏi doanh nghiệp và các tổ chức cần có những giải pháp tiên tiến hơn nữa để phòng ngừa và bảo vệ hệ thống của mình.

10. Các mối đe dọa Phishing là “bất diệt”

Tấn công phishing tiếp tục là một phương pháp hiệu quả để đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân cũng như phân phối phần mềm độc hại và tạo các khoản thanh toán giả,… Cùng với mã độc tống tiền, phishing tiếp tục là một trong những phương thức kiếm tiền phổ biến nhất của tin tặc trên toàn thế giới. Một trong những biện pháp để phòng hình thức tấn công này là tăng cường training, nâng cao nhận thức cho nhân viên và đối tác cũng như tích hợp các ứng dụng quản lý lỗ hổng để ngăn chặn tin tặc thu thập được dữ liệu của bạn thông qua phishing.

Theo cystack.net

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây